Bạn đang có nhu cầu vay vốn thế chấp tại các tổ chức tín dụng nhưng chưa hiểu rõ quy định về tài sản đảm bảo của Ngân hàng như thế nào? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ về quy định này thông qua bài viết sau.
Tài sản đảm bảo là gì?
Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để thế chấp, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm ( tổ chức tín dụng). Tài sản đảm bảo được tồn tại dưới 3 hình thức chủ yếu là tài sản hiện hữu, giấy tờ có giá và quyền tài sản:
- Tài sản đảm bảo là quyền tài sản như quyền tác giả, quyền góp vốn kinh doanh, quyền được nhận bảo hiểm, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ,…
- Tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu, thương phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi,…
- Tài sản đảm bảo là vật như kim khí đá quý, ô tô, nhà cửa, máy móc thiết bị,hàng hóa.
Quy định về tài sản đảm bảo của Ngân hàng
Điều kiện của tài sản đảm bảo
- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ các trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
- Có thể mô tả chung tài sản bảo đảm, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn, bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ được bảo đảm.
Quy định về tài sản đảm bảo của Ngân hàng được thế chấp.
Theo quy định của Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19/5/2003 của NHNN có hướng dẫn một số điều kiện để bảo đảm tiền vay, tài sản dùng để vay vốn thế chấp tại các ngân hàng gồm:
- Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, bao gồm cả các tài sản gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng đó và các tài sản gắn liền với đất khác.
- Giá trị quyền sử dụng đất theo pháp luật có quy định.
- Tàu biển theo quy định luật Hàng hải Việt Nam, máy bay theo quy định của luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
- Tài sản hình thành trong tương lai như: BĐS hình thành sau thời điểm ký giao dịch thế chấp và thuộc quyền sở hữu của khách hàng như: lợi tức, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng,…
- Ngoài ra còn có một số tài sản khác như: ô tô, sổ tiết kiệm, sổ lương…
Tỷ lệ cho vay dựa vào tài sản đảm bảo
Theo nguyên tắc phòng ngừa rủi ro của ngân hàng thì tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo từ 60 – 70% giá trị của tài sản đó. Đối với tài sản là BĐS, tỷ lệ này có thể lên tới 75%. Tuy nhiên thực tế nhiều ngân hàng nâng tỷ lệ này lên tới 90 – 95% để đẩy mạnh cho vay.
Phương thức xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng
Theo Khoản 1 Điều 303 của Bộ luật dân sự 2015 có 4 phương thức xử lý tài sản đảm bảo. Cụ thể là:
- Bên nhận đảm bảo tự rao bán các tài sản.
- Đem bán đấu giá tài sản.
- Bên nhận đảm bảo sở hữu luôn tài sản.
- Phương thức khác.
Ví dụ: Đối với các tài sản có thể sử dụng để khai thác ra tiền hoặc cho thuê thì số tiền thu được dùng để phục vụ thanh toán nghĩa vụ được đảm bảo. Trong luật quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các phương thức nào. Nếu không được quy định, tài sản đảm bảo sẽ được đem ra để đấu giá.
Lưu ý khi thực hiện phương án cho vay thế chấp tài sản đảm bảo
Hoạt động của ngân hàng luôn có những rủi ro nghề nghiệp, đặc biệt là đối với nghiệp vụ cho vay. Do đó cho vay có tài sản bảo đảm kèm sẽ là một trong các phương thức an toàn cho hoạt động của ngân hàng. Khi thực hiện thủ tục liên quan đến cho vay bằng tài sản bảo đảm cần lưu ý:
- Thứ nhất: Tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm, quyền sở hữu đối với các tài sản, kiểm tra, bổ sung cho các tài sản bảo đảm chưa đủ giấy tờ như: chứng nhận bảo hiểm, tài sản hết hạn đăng ký, tài sản chưa đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ.
- Thứ hai: Thỏa thuận rõ ở trong hợp đồng bảo đảm quyền được xử lý ưu tiên tài sản trước so với các chủ thể khác nếu như tài sản bảo đảm đó dùng để thực hiện nhiều nghĩa vụ cùng một lúc.
Điều này sẽ rất có lợi cho ngân hàng khi xử lý thu hồi nợ bằng tài sản đảm bảo vì tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xem xét, giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên những thỏa thuận tại hợp đồng để xét duyệt yếu tố ưu tiên.
- Thứ ba: Thuê đơn vị thẩm định giá độc lập (lưu ý nên chọn thuê các đơn vị có trong danh sách thẩm định giá của bộ tài chính) để xác định chính xác giá trị tài sản bảo đảm.
- Thứ tư: Thỏa thuận với khách hàng về việc xử lý tài sản bảo đảm trong giai đoạn tiền tố tụng trước khi tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Trên đây là toàn bộ quy định về tài sản đảm bảo của Ngân hàng, để biết thêm chi tiết bạn đọc nên liên hệ trực tiếp với cơ quan ngân hàng để hiểu rõ hơn.